Thông báo

Truyện Tiên Vực đã đổi địa chỉ thành https://tienvuc.net. Hãy truy cập bằng địa chỉ mới để có kết nối ổn định hơn nhé!

Tống phủ, trong thọ đường.

Hào môn quý tộc rất coi trọng tiệc mừng thọ, lần này lại là đại thọ 60 của lão phu nhân, Tống gia cố ý bố trí một thọ đường, trên tường phía nam dán một bức Bách Thọ Đồ, hai bên treo câu đối ‘Vân phủng thải giá Vương Mẫu chí, hoa nở Kim Phượng Thiên Tinh lai’, bên trên còn treo một bức tượng mừng thọ, phía trên bức tượng là Tiên Phật Hạ Thọ Đồ.

Trên đất là thảm đỏ, dưới vách tường là một chiếc bàn vuông, trên đó có nến thọ, đào mừng thọ, mì thọ và một ít hoa quả tươi.

Một lão phu nhân mặt mũi hiền lành đang ngồi trên ghế, con cháu Tống gia cung kính đứng theo thứ tự, từng người từng người tiến lên chúc thọ Tống lão phu nhân.

Thời gian chúc thọ cũng có thứ tự, hàng đầu tiên là năm người con và bạn đời của họ, phía sau chính là đời thứ ba của Tống gia, phụ thân của Tống Giai Nhân là người con thứ ba của lão phu nhân, Lý Nặc và Tống Giai Nhân thì đứng thứ hai đếm ngược trong đời thứ ba, sau bọn họ chính là tỷ muội Tống Mộ Nhi và Tống Ngưng Nhi.

Quá trình chúc thọ cũng rất đơn giản, mọi người tiến lên tặng quà mừng thọ và nói mấy câu cát tường, liền có thể ngồi xuống chờ mở tiệc.

Trước Lý Nặc và Tống Giai Nhân là hai người trẻ tuổi, chính là hai trong ba người từng chế giễu Lý Nặc.

Hai người này chắc là con của cô cô Tống Chân.

Mà trước họ là ba nam hai nữ, một vị trong đó chính là ‘Du ca ca’ trong miệng Tống Mộ Nhi, cũng là người bị Lý Nặc vuốt đầu chó.

Đám nha hoàn thì xếp hàng chỉnh tề, đứng hai bên thọ đường, trong tay cầm mâm gỗ phủ lụa đỏ, dưới lụa đỏ là quà mừng thọ của người Tống gia.

Đến lượt ai lên chúc thọ, thì đám nha hoàn sẽ đưa mâm gỗ cho họ, để họ tự dâng lên.

Đời thứ hai của Tống gia tiến lên, Lý Nặc thuận tiện nhớ tên của họ, đại bá Tống Thái, nhị bá Tống Liễm, cô cô Tống Chân, tứ thúc Tống Hạo, mà phụ thân của Tống Giai Nhân, cũng là nhạc phụ của Lý Nặc, tên là Tống Triết, đây là một nam nhân trung niên gầy gò, nhưng Lý Nặc lại không thấy mẫu thân của Tống Giai Nhân.

Ngay cả trượng phu của Tống Chân cũng có mặt, chỉ có nhạc phụ đại nhân của Lý Nặc là lẻ loi một mình.

Chờ đám trưởng bối chúc thọ xong, liền đến lượt đám tiểu bối đời thứ ba như bọn họ.

Một đôi vợ chồng trẻ tuổi dắt tay đi đến trước mặt lão phu nhân, cung kính nói: “Tôn nhi Tống Lâm, cháu dâu Vương Yên, chúc tổ mẫu sống lâu trăm tuổi, phúc thọ an khang.”

Quà của họ là một đôi kim phật.

Sau đó, một người trẻ tuổi khác cầm một bức tranh tiến lên, vừa cười vừa nói: “Tôn nhi Tống Kỳ, chúc tổ mẫu. . .”

Lão phu nhân cầm bức tranh, quan sát một phen liền lộ vẻ vui mừng, nói: “Đúng là ‘Dao Trì Thánh Mẫu Hạ Thọ Đồ’ của Triệu Mạnh, không phải nói bức tranh này đã thất lạc rồi sao?”

Người trẻ tuổi nói: “Bức tranh này là tôn nhi ngẫu nhiên lấy được, tổ mẫu thích thì tốt.”

lão phu nhân giao bức tranh cho nha hoàn đứng hầu bên cạnh, để nàng treo lên tường, ánh mắt lại nhìn vào người trẻ tuổi phía trước, nói: “Khi nào Kỳ nhi mới tìm cháu dâu cho tổ mẫu, tổ mẫu với vui vẻ. . .”

. . .

Theo con cháu Tống gia tiến lên chúc thọ, Lý Nặc cũng đã có chút hiểu biết về gia đình này.

Tống gia có thể nói là nhân khẩu thịnh vượng, đại bá của Tống Giai Nhân có hai nam, nhị bá có hai nam một nữ, cha mẹ của Tống Giai Nhân chỉ có mình nàng, cặp sinh đôi Tống Mộ Nhi và Tống Ngưng Nhi thì là con của tứ thúc Tống Hạo.

Đây chính là đời thứ ba của Tống gia.

Trong đám tiểu bối đời thứ ba, mạch của đại bá Tống Thái, Tống Lâm và Tống Kỳ tặng một đôi kim phật và một bức Hạ Thọ Đồ, mạch nhị bá, vợ chồng Tống Cẩn tặng một cặp trân châu to như trứng bồ câu, cũng coi là vật quý hiếm, Tống Du thì tặng một đôi đào mừng thọ, nghe nói do cường giả Nông gia bồi dưỡng, ăn vào bách bệnh tiêu tan, có thể kéo dài tuổi thọ.

Quả đào kia có thể kéo dài tuổi thọ hay không thì Lý Nặc không biết, nhưng xa như vậy mà Lý Nặc vẫn có thể ngửi thấy mùi thơm thấm vào ruột gan, hắn thậm chí còn nghe thấy hai tiểu nha đầu sau lưng đang nuốt nước miếng.

Nông gia mặc dù không có sức chiến đấu mạnh, nhưng lại rất giỏi trên mặt trồng trọt.

Tỷ tỷ của Tống Du là Tống Thiến, đã tặng lão phu nhân một bản phật kinh tự tay sao chép, mặc dù không quý giá bằng những người khác, nhưng thắng ở tấm lòng, lão phu nhân cũng rất thích.

Trượng phu của Tống Thiến là một người trẻ tuổi gầy yếu, trên người tràn đầy mùi sách vở, đã tặng lão phu nhân một bài thơ chúc thọ, khiến không ít người vỗ tay khen hay.

Tống gia là tướng môn, con cháu trong nhà không theo Binh gia thì chính là tu Võ đạo, rất ít người tu Nho gia, múa đao nghịch thương thì còn được, chơi chữ thì họ chịu, bài thơ chúc thọ này vừa xuất hiện, liền thu hoạch được khen ngợi.

Dựa theo trình tự, tiếp theo đến lượt phu thê Lý Nặc và Tống Giai Nhân lên chúc thọ.

Quà mừng thọ của họ là một đôi ngọc như ý đẹp đẽ.

Lý Nặc đã tìm được quy luật, con cháu Tống gia, nếu đã lập gia đình thì đa số đều tặng một đôi, hơn nữa đều tặng bằng danh nghĩa phu thê, nếu còn độc thân thì chỉ tặng một món là được, đương nhiên, cũng có thể mỗi người tặng một món như phu thê Tống Thiến.

Quà của Lý Nặc, Tống Giai Nhân đã chuẩn bị thay hắn, hắn chỉ cần chờ ăn tiệc là được.

Tống Du lùi lại sau, liền đến lượt phu thê Lý Nặc và Tống Giai Nhân.

Lúc này, không ít khách khứa đều nhìn sang, tiếng bàn tán ồn ào trong thọ đường cũng ít đi rất nhiều.

Thiên kiêu của Tống gia, hơn mười năm trước đã truyền khắp Trường An.

Đương nhiên, trượng phu của nàng còn nổi tiếng hơn.

Chẳng qua là cách nổi tiếng của hai người là khác nhau, Tống Giai Nhân nổi tiếng nhờ dung mạo xinh đẹp, thiên phú Võ đạo hơn người, Lý Nặc nổi tiếng vì là kẻ ngốc, đến giờ vẫn có vô số người tiếc hận vì đoạn hôn nhân này.

Giống như cóc ghẻ ăn được thịt thiên nga, cải trắng bị heo gặm.

Bằng không, kẻ ngốc này dựa vào cái gì?

Rất nhiều người nhìn thấy Lý Nặc đứng cạnh Tống Giai Nhân là thấy giận.

Dưới ánh mắt soi mói của mọi người, một nha hoàn cầm mâm gỗ phủ lụa đỏ đến, Tống Giai Nhân một tay nâng mâm gỗ, chậm rãi vén lụa đỏ lên, đang chuẩn bị tiến lên trước, thì bước chân chợt dừng lại một chút.

Lý Nặc nhìn lướt qua, lông mày cũng nhíu chặt.

Trên mâm gỗ, dưới lụa đỏ, không phải một đôi ngọc như ý, mà là hai khối đá dài hình sợi.